Nguy hiểm của bệnh dại mùa hè mà ai cũng cần biết

Các bé yêu ơi! Mùa hè đã đến, và cùng với nó là thời tiết nóng bức, khí hậu ẩm ướt là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của một loại bệnh vô cùng nguy hiểm: bệnh dại ở gia súc. Đây là một vấn đề cần được cảnh báo đặc biệt đối với chúng mình các em nhé.

NHỮNG HIỂU BIẾT VỀ BỆNH DẠI

(Tài liệu được cung cấp bởi Trung tâm Y tế TP.Lào Cai)

 Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương bệnh lây từ động vật sang người, thông thường là từ nước bọt bị nhiễm vi rút dại, hầu hết các trường hợp bị nhiễm vi rút dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật, khi lên cơn dại kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

  1. Nguồn bệnh: Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng, nhất là chó ngoài ra ổ chứa vi rút dại còn có ở mèo, chồn, cầy và những động vật có vú khác, Ở Việt Nam chủ yếu là chó.
  2. Phương thức lây truyền: Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật tiết ra ngoài qua vết cắn, vết liếm, vết xước trên da. Vi rút dại xâm nhập vào cơ thể từ đó theo hệ thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến hệ thần kinh trung ương vi rút dại phát triển rất nhanh sau đó vi rút dại huỷ hoại dần tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh dại.
  3. Biểu hiện của bệnh dại:

          – Thời kỳ ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh của bệnh dại ở người thường từ 2 đến 8 tuần, có thể ngắn hơn (khoảng 10 ngày) hoặc dài hơn (1 năm). Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn tuỳ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập, khoảng cách xa, gần từ vết cắn đến não bộ, vết thương nặng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

          – Giai đoạn tiền triệu trứng: Thường từ 1 đến 4 ngày biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập.

          – Giai đoạn viêm não: Thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động, sợ nước và gió nhẹ ngoài ra có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp.

          – Tiến triển của bệnh: Bệnh tiến triển theo hai thể: Thể liệt và thể cuồng bệnh thường kéo dài từ 2 đén 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp;

          – Chẩn đoán bệnh dại: Dựa vào các triệu chứng lâm sàng đặc biệt là chứng sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, các yếu tố dịch tễ có liên quan như bị súc vật cắn…

  1. Xử trí khi bị súc vật nghi dại cắn.

– Rửa ngay vết thương thật kỹ bằng xà phòng đặc dưới vời nước 15 phút, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như: cồn, cồn Iốt để làm giảm lượng vi rút.

– Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và hướng dẫn xử trí kịp thời;

– Tiêm vắc xin phòng dại sớm.

  1. Biện pháp phòng chống bệnh dại:

– Hạn chế nuôi chó, chó nuôi phải xích, nhốt và tiêm phòng đầy đủ;

– Người bị chó, mèo hoặc súc vật cắn (nếu không theo dõi được chó, mèo hoặc súc vật cắn ) phải đi tiêm vắc xin phòng dại sớm và tiêm đầy đủ mũi;

– Không nên dùng thuốc nam để chữa khi bị chó, mèo, súc vật cắn.

  1. Những đối tượng đươc tiêm phòng vắc xin dại miễn phí năm 2024 ( tiêm tại trạm y tế)

– Đối tượng thuộc diện người nghèo, cận nghèo.

– Người dân tộc thiểu số

– Người có công với cách mạng

– Trẻ em dưới 6 tuổi

– Những người tham gia phòng chống dịch trong vùng nguy cơ cao.

– Nhân viên thú y thực hiện việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo.

Hãy nhớ, việc phòng tránh bệnh dại không chỉ là trách nhiệm của chính bạn mà còn là cách bảo vệ mọi người  xung quanh. Hãy chung tay để giữ cho mùa hè an toàn và vui vẻ các em nhé. Chúc các em có một mùa hè an toàn, vui, khỏe.

Đức Quảng-TH Thống NHất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *